9 lưu ý để du lịch an toàn trong Covid-19

0
648

Du khách không tới khu vực đang có dịch Covid-19 và tuân thủ theo hướng dẫn phòng, chống bệnh của Bộ Y tế trước, trong và sau chuyến đi.

Xem thêm: Mẹo du lịch

9 lưu ý để du lịch an toàn trong Covid-19

WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch và kêu gọi các quốc gia quyết liệt đối phó. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không du lịch tới các nước, vùng có dịch. Nếu có các chuyến đi du lịch trong nước vào thời điểm này, du khách ghi nhớ những lưu ý sau.

Trước chuyến đi

Nếu xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở hoặc tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, du khách không rời khỏi địa phương. Những điều cần làm là tự cách ly trong phòng riêng, mở cửa thoáng khí và giữ khoảng cách ít nhất 2 m với những người xung quanh. Liên hệ với cơ quan y tế gần nhất hoặc Bộ Y tế qua đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095. Sau đó lập tức di chuyển đến cơ sở y tế để khai báo lịch trình di chuyển và được thăm khám. Lưu ý đeo khẩu trang trên đường đi.

7 việc cần làm khi có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Ảnh: Bộ Y tế.

Du khách nên theo dõi Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc ứng dụng NCOVI trên điện thoại để biết các thông báo về du lịch, tình hình điểm đến trước khi đưa ra quyết định. Đến nay, một số địa phương đã quyết định tạm dừng hoạt động du lịch như tỉnh Quảng Ninh, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm (Quảng Nam)… UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tạm ngừng hoạt động tham quan các di tích, khu du lịch sinh thái tại Côn Đảo.

Để tăng cường sức đề kháng trước chuyến đi, du khách cần đảm bảo ăn uống đúng giờ, lành mạnh và đủ chất (đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất). Bổ sung một số thực phẩm có chứa kẽm, sắt, đồng, axit folic và vitamin A, B6, C, E như bí đỏ, cà chua, cam, cà tím, ổi, bông cải… Ngoài ra, du khách nên tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe.

Trong chuyến đi

Covid-19 lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn từ người bệnh và lây nhiễm qua các bề mặt. Khi đến nơi công cộng, đông người, phương tiện giao thông (xe buýt, tàu hỏa, máy bay, tàu phà…), du khách đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải đúng cách. Đặc biệt, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện ho, sốt.

Du khách nên giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân sạch sẽ và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch chứa cồn (nồng độ tối thiểu 60%) ít nhất 30 giây. Đặc biệt, cần rửa tay sau khi ho, hắt hơi, tháo khẩu trang, tiếp xúc các bề mặt công cộng (như lan can, tay nắm cửa, tay nắm xe bus…); sau khi tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người khác; trước các bữa ăn và trước khi chế biến thực phẩm. Một lưu ý quan trọng khác là hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Đeo khẩu trang y tế đúng cách: Khẩu trang y tế chỉ dùng một lần. Đeo mặt có màu ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên – ấn kẹp ôm sát vào sống mũi. Khẩu trang phải che kín cả mũi miệng. Không sờ tay lên bề mặt khẩu trang suốt thời gian đeo. Tháo khẩu trang bằng cách cầm vào quai và bỏ ngay vào thùng rác. Rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi tháo khẩu trang. Lưu ý: cách đeo khẩu trang vải tương tự, song cần giặt hàng ngày bằng xà phòng. Ảnh: Strait Times

Để hạn chế sự lây lan của virus, bạn nên sử dụng khăn giấy khi ho, hắt hơi sau đó bỏ gọn gàng vào thùng rác. Tuyệt đối không khạc nhổ nơi công cộng.

Theo các chuyên gia y tế, sát khuẩn vùng họng đúng cách là bước cuối cùng để ngăn chặn virus Covid-19. Cách đúng là súc dung dịch xuống sâu nhất trong vùng cổ. Du khách có thể súc họng trước khi ra ngoài và ngay sau khi trở về nơi cư trú. Mỗi lần súc khoảng 2 phút và 3 lần đưa xuống họng khoảng 15 giây.

Nếu thấy bản thân hoặc hành khách đi cùng có các triệu chứng nghi nhiễm bệnh, liên hệ trực tiếp cho ban quản lý địa phương, Bộ Y tế để có hướng dẫn và phương pháp hỗ trợ kịp thời.

Sau chuyến đi

Kết thúc chuyến đi, du khách thực hiện khai báo y tế, lịch trình chuyến đi trên ứng dụng điện thoại hoặc trang web https://tokhaiyte.vn. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh, du khách tự chủ động cách ly và đi khám tại các cơ sở y tế như bước 1.