Bước vào tiết trời thu, đến Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp được tạo nên từ bàn tay của người lao động nơi đây.
Đồi võng lúa, cái tên không còn mấy xa lạ với những con người nơi đây. Nằm tại bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, Mù Cang Chải là địa điểm du lịch hút khách bởi hình ảnh những thửa ruộng uốn lượn hình chiếc võng hay móng ngựa.
Đến đây, du khách được ngắm nhìn đủ sắc màu của những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chính. Nhờ những thửa ruộng này mà người dân nơi đây vừa trồng lúa thu hoạch vừa có thêm thu nhập từ ngành dịch vụ du lịch.
Từ trồng ruộng lúa đến du lịch
Anh Giàng A Chinh (27 tuổi, người dân tộc Mông) cho biết: trước đây, không có dòng chữ Móng Ngựa – Mù Cang Chải, cũng không có khách du lịch đến ngắm cảnh uống nước như bây giờ.
Khung cảnh đồi võng lúa có được là nhờ có tổ hợp tác du lịch võng lúa, móng ngựa. Anh Chinh cũng là chủ nhiệm của tổ hợp tác du lịch và là người con của bản Sáng Nhù. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Bắc Giang, anh được chọn đi du học ở Israel 1 năm. Sau khi về quê, anh bắt tay xây dựng du lịch sinh thái trên chính quê hương mình.
Mù Cang Chải có hai mùa du lịch, đó là mùa lúa chín và mùa nước đổ. Vào mùa lúa chín thì những thửa ruộng chín đồng đều tạo nên cảnh đẹp. Còn vào mùa nước đổ thì những thửa ruộng được tráng đầy nước.
Do đó, anh đã tập hợp các hộ dân có ruộng ở khu vực này thành một tổ thống nhất để cày bừa, thu hoạch đồng bộ. Từ ngày phát triển du lịch, người trồng lúa vừa có thu nhập từ bán lúa, vừa có thêm thu nhập từ việc phục vụ khách du lịch.
Cuộc sống dân bản dần đổi thay
Khi bắt đầu công cuộc quy hoạch ruộng lúa để hợp nhất, sau 2 năm đại dịch đến năm, những thửa ruộng bậc thang võng lúa đã tấp nập khách du lịch ghé thăm.
Rất nhiều khách du lịch ở những nơi xa xôi đến đều phải trầm trồ trước vẻ đẹp hoan sơ, hùng vĩ. Anh Chinh cũng cho biết: những thửa ruộng được đưa vào quy hoạch đều giữ nguyên trạng thái bờ ruộng.
Vào mùa du lịch cao điểm hay cuối tuần, đồi võng lúa đón từ 600-700 lượt khách. Hiện tổ hợp tác tổ chức bán vé, phục vụ nước uống và trang phục dân tộc cho khách tham quan chụp ảnh. Đồng thời, tổ hợp tác cũng kết hợp làm tổ xe ôm để đưa đón khách đến điểm du lịch với quy định rõ ràng về giá cả, không chặt chém khách.
Anh Chinh cũng cho biết từ ngày phát triển điểm du lịch, người dân nơi đây có thêm thu nhập tốt hơn. Chị em phụ nữ trong bản thì bán đặc sản còn các anh thì chạy xe ôm chở khách.